Với vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên phong phú, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ, không gian sống đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Thái... là lợi thế quan trọng để bản Nà Sự, xã Chà Nưa phát triển du lịch cộng đồng.Thực hiện Nghị quyết về “Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2025”, huyện Nậm Pồ đã và đang xây dựng những bước đi, lộ trình cụ thể để đưa bản Nà Sự, xã Chà Nưa trở thành bản văn hóa du dịch.
Nép mình bên dòng suối Nậm Bai, bản Nà Sự, xã Chà Nưa là bản đồng bào dân tộc Thái trắng sinh sống lâu đời với 137 hộ. Nơi đây có vùng đất trù phú, đầy hoa thơm trái ngọt, mái nhà sàn người Thái san sát bên hàng hoa Ban xanh ngút ngàn, đồng lúa ngào ngạt hương thơm, được bao bọc bởi núi rừng, khí hậu trong lành, nhiệt độ trung bình năm giao động từ 22 - 260C, rất phù hợp cho du lịch sinh thái, khám phá; bà con dân tộc Thái nơi đây sinh sống chan hòa, mến khách, an ninh trật tự ổn định, không có tệ nạn xã hội và lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc như: Trang phục dân tộc Thái, múa xòe thái, múa quạt, hội xuân, ẩm thực... tất cả tạo nên một bức tranh quê hương yên bình, là điều kiện cần và đủ để phát triển du lịch cộng đồng.
Là người khởi xướng ý tưởng xây dựng bản Nà Sự thành bản du lịch cộng đồng, Ông Khoàng Văn Van - Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa cho biết: Một trong những nhiệm vụ đột phá được Đảng bộ xã Chà Nưa, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đó là từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Chà Nưa, trong đó từng bước hình thành bản Nà Sự trở thành điểm tham quan, du lịch cộng đồng, mở rộng gắn kết du lịch cộng đồng với du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, đồng thời vừa phát triển du lịch vừa lưu giữ các giá trị văn hóa vốn có từ lâu đời của người dân, từng bước nhân rộng mô hình khi xây dựng thành công tại bản Nà Sự.
Được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân bản Nà Sự, UBND xã đã ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó Đề án xác định trong năm 2021-2022 xã lựa chọn một số hộ gia đình làm điểm theo hình thức homestay để khách du lịch trải nghiệm không gian sống của đồng bào dân tộc Thái; thành lập đội văn nghệ bản phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của du khách; vận động xây 10 cái “cọn nước” cỡ lớn cạnh cánh đồng bản Nà Sự. Trong năm 2022-2023, xây dựng chuỗi liên kết hàng hóa nông nghiệp, dịch vụ, làm phong phú thêm một số mặt hàng mây tre đan, thổ cẩm, khuyến khích các hộ gia đình mở dịch vụ ăn uống với các món ăn đậm chất dân tộc; trong năm 2023-2025, xây dựng hồ nước tại trung tâm bản; tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân khai thác dịch vụ nghỉ trọ, cung cấp sản phẩm nông nghiệp; quảng bá hình ảnh, mở cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm,… Ông Thùng Văn Ánh - Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết thêm: để tổ chức thực hiện dự án, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; vận động nhân dân bản Nà Sự góp sức, chung tay xây dựng các công trình công cộng, cải tạo đất trồng cây và các hoạt động khác để thực hiện thành công Đề án.
Ông Nguyễn Xuân Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết về “Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2025”, vừa qua, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó kế hoạch xác định từ năm 2021-2025, phấn đấu xây dựng và hỗ trợ đầu tư bản Nà Sự, xã Chà Nưa thành bản văn hóa du lịch, nhu cầu kinh phí khoảng 500 triệu đồng để hỗ trợ đầu tư một số hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu, huyện cũng sẽ phối hợp huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp giúp đỡ xã Chà Nưa trong việc thực hiện Đề án, phấn đấu đưa bản Nà Sự, xã Chà Nưa trở thành bản văn hóa du lịch theo kế hoạch đã đề ra.
Phát triển du lịch cộng đồng là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững ở xã Chà Nưa. Đây là hướng đi đúng đắn, là “đòn bẩy” giúp cấp ủy, chính quyền xã và người dân nơi đây nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đồng thời bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ hôm nay và mai sau./.
Thiện Thơ, Văn phòng HĐND-UBND huyện